Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc thuộc địa bàn thành phố Chí Linh, được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Nơi đây gồm quần thể các di tích lịch sử liên quan đến những chiến công lẫy lừng trong ba lần quân dân thời Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII và trong cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ XV. Đây là nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo cùng với nhiều danh nhân văn hoá của dân tộc: Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, Huyền Quang… Điểm nhấn của khu di tích này là chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc.
Chùa Côn Sơn thuộc phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh, là một trong những trung tâm Phật giáo của dòng thiền phái Trúc Lâm Đại Việt được Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập ở thế kỷ XIII. Chùa kiến trúc theo kiểu chữ công, gồm Tiền đường, Thiêu lương, Thượng điện là nơi thờ Phật, trong đó có những tượng Phật từ thời Lê cao tới 3 mét.
Tam quan chùa Côn Sơn
- Đường vào Tam quan lát gạch, chạy dài dưới hàng thông trăm năm phong trần xen lẫn những tán vải thiều xum xuê xanh thẫm. Tam quan được tôn tạo năm 1995, kiểu cổ, có 2 tầng 8 mái với các hoạ tiết hoa lá, mây tản cách điệu của nền nghệ thuật kiến trúc thời Lê
Quang cảnh bên trong chùa
Tòa Cửu phẩm liên hoa được khánh thành năm 2017
Đền thờ Nguyễn Trãi, khởi công xây dựng ngày 14-12-2000, trên khuôn viên đất rộng gần 10.000 mét vuông, tại chân núi Ngũ Nhạc, nằm trong khu vực Thanh Hư Động và gần nơi ngày xưa từng có đền thờ bà Trần Thị Thái, thân mẫu của Nguyễn Trãi. Phía bên phải là dòng suối Côn Sơn chảy từ Bắc xuống Nam, uốn lượn từ phải qua trái, ôm lấy khu Đền.
Toàn cảnh di tích đền thờ Nguyễn Trãi nhìn từ trên cao phía sau đền
Ngôi đền chính tựa lưng vào Tổ Sơn, hai bên tì vào hai dãy núi Ngũ Nhạc và Kỳ Lân là tả Thanh long và hữu Bạch hổ. Phía trước có hồ nước rộng, tiếp theo là núi Trúc Thôn đối diện với núi Phượng Hoàng. Xa xa là dãy núi An Lạc.
Đền Kiếp Bạc thuộc địa phận hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh, là nơi thờ phụng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Kiếp Bạc là tên ghép của hai vùng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Đây là di tích quan trọng thuộc khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc.Khu vực đền Kiếp Bạc là một thung lũng trù phú ba phía có dãy núi Rồng bao bọc, một phía là Lục Đầu Giang. Núi tạo thành thế rồng chầu, hổ phục, sông tạo thành minh đường rộng rãi. Phía trước đền có cổng lớn có ba cửa ra vào nguy nga, đồ sộ. Trên trán cổng mặt ngoài có bốn chữ "Hưng thiên vô cực", dưới có 5 chữ "Trần Hưng Đạo Vương từ".
Vào thế kỷ XIII, đây là nơi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn lập căn cứ, tích trữ lương thực, huấn luyện quân sĩ trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Sang thế kỷ XIV, đền thờ ông được xây dựng tại nơi đây và là nơi tổ chức các lễ hội hàng năm để dâng hương tưởng niệm vị anh hùng của dân tộc Việt, người có công lớn với đất nước và được dân gian tôn sùng là Đức Thánh Trần.
Nghi môn đền Kiếp Bạc
Tái hiện cảnh hội quân trên sông Lục Đầu Giang trong Lễ hội mùa thu tại Kiếp Bạc
Nguồn: BT
Hôm nay: 4480
Tổng lượng truy cập: 22787000