Trong hàng loạt điểm đến của di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn, du khách đều tìm thăm giếng Ngọc - huyệt mạch linh thiêng, nơi hội tụ dòng nước nguồn thuần khiết và tinh túy nhất của ngọn núi Kỳ Lân kỳ bí.
Giếng Ngọc ở chùa Côn Sơn luôn được du khách tìm đến mỗi khi về với khu di tích quốc gia đặc biệt này
Nguồn nước mát lành 700 năm tuổi
Giếng Ngọc nằm kế bên Lầu Quán Thế Âm và nằm phía sau Côn Sơn cổ tự.
Tương truyền, từ thuở hồng hoang, Quán Thế Âm Bồ Tát đã chọn Côn Sơn làm nơi ngự ở trần gian. Chúng sinh quanh vùng thành tâm dựng thảo am thờ ngài dưới chân núi, sớm tối dâng hương hoa cung kính. Ngài cảm động mà nhỏ nước cam lồ tạo thành nguồn nước cho chúng sinh tẩy trần.
Thế kỷ XIII, Thánh tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả - trụ trì chùa Côn Sơn cho xây dựng nhiều công trình kiến trúc, đúc hàng trăm pho tượng Phật nguy nga, lộng lẫy. Ngài luôn đau đáu tìm được một nguồn nước thanh tịnh dùng cúng lễ và mộc dục tượng pháp (tắm tượng).
Nằm kế bên Lầu Quán Thế Âm, giếng Ngọc ăm ắp nước
Một đêm rằm tháng 7, sau lễ Vu Lan báo hiếu, Huyền Quang mơ thấy một Tiên ông tự xưng là “Chủ thần long mạch núi Côn Sơn”. Tiên ông nói: “Ta biết tâm nguyện nhà sư muốn tìm nguồn nước quý để cúng Phật, tẩy trần”. Nói rồi, Tiên ông dẫn nhà sư về sau chùa, đến đầu núi Côn Sơn, chỉ cho viên ngọc sáng lấp lánh dưới lùm cây. Huyền Quang định với tay nhặt viên ngọc thì tiếng chuông chùa vang lên.
Trời sáng, nhà sư cùng các tăng ni lên núi đến chỗ có viên ngọc, chính là nơi khi xưa Quán Thế Âm Bồ Tát nhỏ nước cam lồ để tạo nguồn nước quý. Khi phát quang bụi rậm thấy hiện ra mạch nước trong vắt. Nếm thử thấy nước ngọt lành, trong mát, người khoan khoái lạ thường. Huyền Quang làm lễ tạ Sơn thần đã ban cho nguồn nước quý, rồi cho khơi sâu, mở rộng, dùng đá kè thành giếng và đặt tên là giếng Ngọc.
Một em bé được lau mặt bằng nước giếng Ngọc với mong ước sức khỏe dồi dào
Giếng Ngọc là tụ mạch của nước nguồn từ núi Kỳ Lân, có ý nghĩa quan trọng về tâm linh của di tích Côn Sơn đã hàng trăm năm qua.
Dấu ấn của Huyền Quang tôn giả với Côn Sơn
Dù nằm trên sườn núi cao gần 200 m so với mực nước biển, nhưng giếng Ngọc chưa khi nào cạn nước. Dòng nước mát lành, linh thiêng bền bỉ suốt 700 năm qua hội tụ linh khí đất trời. Không chỉ được dùng vào các lễ tiết của chùa, nước giếng còn phục vụ khách hành hương. Nhiều du khách mang sẵn chai, lọ để xin nước giếng Ngọc về tẩy bụi trần, cầu mong sức khoẻ, vạn sự an lành.
Từ tam quan tản bộ thăm chùa rồi leo qua các bậc đá xanh, khi du khách vừa thấm mệt thì gặp ngay giếng Ngọc. Ai cũng dừng lại muốn tự tay kéo một gầu nước trong veo lên rửa mặt để xua tan mệt mỏi, lấy lại tinh thần sảng khoái. Nhiều người nhấp một ngụm nước để cảm nhận rõ sự trong lành, mát ngọt mà núi rừng Côn Sơn ban tặng. Du khách quan niệm, lấy nước giếng Ngọc uống cho vơi đi muộn phiền và hy vọng dòng nước sẽ mang đến sức khỏe dồi dào.
Ai cũng muốn tự tay múc một gầu nước trong lành của giếng Ngọc để xua tan mệt mỏi
Nếu đi theo đoàn có hướng dẫn viên, du khách đều được thuyết minh về công lao của Huyền Quang đối với việc mở mang xây dựng, phát triển Côn Sơn thành một trung tâm Phật giáo, trong đó có việc phát hiện ra giếng Ngọc.
Để bảo tồn và phát huy giá trị của “Viên ngọc quý, mãi long lanh tỏa khí thiêng bao trùm trời đất", năm 1995, giếng Ngọc được tôn tạo, quanh thành giếng kè đá hộc. Du khách đến đây đều có ý thức giữ gìn viên ngọc quý này, không còn việc vứt tiền lẻ xuống giếng như trước đây.
Theo ông Nguyễn Văn Cường, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, giếng Ngọc là một trong những di tích gắn chặt với với tên tuổi của Đệ tam tổ Thánh tổ Huyền Quang - người có nhiều công lao đóng góp cho lịch sử phát triển chùa Côn Sơn.
Không chỉ tìm ra giếng Ngọc, ngọc phả chùa Côn Sơn còn ghi, ông đã “Lập ra Cửu phẩm Liên hoa, giảng các phẩm kinh để truyền cho bậc hậu học”. Cửu phẩm Liên hoa là một kiến trúc đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng về kiến trúc Phật giáo và nghệ thuật. Năm 2012, khi khai quật tại sân nhà tổ chùa Côn Sơn theo vị trí văn bia ghi lại, các nhà khảo cổ đã phát hiện dấu tích kiến trúc của tòa Cửu phẩm Liên hoa thời Trần do Huyền Quang xây dựng.
Huyền Quang còn cho dựng am trên đỉnh Côn Sơn, làm nơi tụng kinh, tu thiền thuyết pháp, nơi các đạo sĩ tu tiên luyện đan. Am trên đỉnh núi, nơi giao hòa giữa trời đất, cảnh thanh tịnh, lý tưởng cho việc tu hành của các nhà sư, nơi thường có mây trắng bao phủ nên còn được gọi là Am Bạch Vân. Dân gian còn gọi đây là Bàn Cờ Tiên vì cho rằng, đây là nơi trời đất giao hòa, thần tiên thường xuống đánh cờ rồi để lại bàn cờ. Huyền Quang còn cho tôn tạo Ngũ Nhạc linh từ trên núi Côn Sơn. Trên đỉnh có 5 miếu thờ thần ngũ phương gọi là “Ngũ Nhạc năm phương”.
Bên cạnh những di sản vật thể thì Tổ Huyền Quang còn để lại các giá trị văn hóa phi vật thể gắn liền với lịch sử chùa Côn Sơn, đó là một bề dày lịch sử của Phật giáo gắn liền với hành trạng của Đệ tam tổ Trúc Lâm. Ông đã soạn nhiều kinh sách, khai tràng thuyết pháp, tiếp tăng độ chúng, đào tạo hàng nghìn tăng ni, giảng các phẩm kinh để truyền cho các bậc hậu học. Quả thực, Huyền Quang đã xây dựng Côn Sơn thành đại tùng lâm Kỳ Lân Viện, sánh vai cùng Vĩnh Nghiêm, Yên Tử, Quỳnh Lâm… để có câu "Côn Sơn, Yên Tử, Quỳnh Lâm/ Nếu ai chưa đến thiền tâm chưa đành".
Nguồn: Báo Hải Dương
Hôm nay: 4151
Tổng lượng truy cập: 22786671