Tòa Cửu phẩm Liên Hoa được công nhận là bảo vật quốc gia, là một trong những cổ vật có giá trị đặc biệt, điểm nhấn của ngôi chùa Giám (xã Định Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương).
Bảo vật quốc gia
Chùa Giám nay thuộc xã Định Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương tên hiệu là Nghiêm Quang Tự, là ngôi cổ tự gắn liền với thân thế Đại Danh Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật thời Lê đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Lịch Sử Văn hóa cấp Quốc gia ngày 13/3/1974. Căn cứ vào tài liệu lịch sử và bộ dã sử của Ngô Vi Liễn, Chùa Giám trước đây thuộc xã An Trang, Tổng An Trang Phủ Thượng Hồng, Trấn Hải Dương, được xây dựng thời nhà Lý.
Đến thế kỷ XIV, Thiền sư Tuệ Tĩnh đứng ra hưng công trùng tu. Cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII chùa được xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc. Kiến trúc thời Lê là chốn danh lam cổ tích, là trung tâm văn hóa, là điểm đến thăm quan du lịch điểm đến của nhiều đoàn nghiên cứu Lịch sử, Văn hóa, Nghệ thuật.
Trong các hiện vật kiến trúc còn lưu giữ thì tòa “Cửu phẩm Liên Hoa” chùa Giám có vị trí đặc biệt trong khu di tích, là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo còn giữ được nguyên bản. Hiện nay, cả nước chỉ còn 3 tòa Cửu phẩm Liên Hoa chất liệu gỗ có niên đại thế kỷ thứ XVII tại chùa Giám (Cẩm Giàng, Hải Dương), chùa Động Ngọ (Thanh Hà, Hải Dương) và chùa Bút Tháp (Bắc Ninh).
Tòa Cửu phẩm Liên Hoa chùa Giám tuổi đời khoảng hơn 300 năm có vị trí đặc biệt trong ngôi chùa được đặt trong nhà Phẩm trồng diêm 3 tầng 12 mái, đường nét hoa văn mềm mại mang đặc trưng kiến trúc thời Hậu Lê. Nguyên vật liệu dựng nhà Phẩm chủ yếu bằng gỗ lim. Nhà hình vuông, có 4 cửa quay 1 hướng, mái lợp bằng ngói mũi, bốn góc có đao rồng. Chính giữa nhà Phẩm là tòa Cửu Phẩm Liên Hoa cao trên 6m, hình lục giác đều, mỗi cạnh dài 1,24m, giữa các tầng hoa sen là tượng Phật, mỗi mặt có 3 pho, mỗi tầng 18 pho tượng, tổng là 144 pho tượng trên 9 tầng cánh sen. Tầng trên cùng chỉ có 1 pho tượng Phật Di Đà cao 1m trong tư thế kết già thiền định, đầu trạm mái như một cái tâm giữ cho cây Cửu phẩm liên kết với 1 trụ gỗ lim lớn ở giữa, khi có lực đẩy Cửu phẩm quay nhẹ nhàng.
Cửu Phẩm Liên Hoa tương đương "Tam phẩm vãng sinh " với 9 phẩm gồm: Thượng phẩm vãng sinh có: Thượng phẩm thương sinh, Thương phẩm trung sinh và Thượng phẩm hạ sinh; Trung phẩm vãng sinh có: Trung phẩm thượng sinh, Trung phẩm trung sinh và Trung phẩm hạ sinh; Vụ phẩm vãng sinh cả: Hạ phẩm thượng sinh, Hạ phẩm trung sinh và Hạ phẩm hạ sinh. Đó là 9 tầng bậc của cảnh giới Tây Phương Cực Lạc mà con người khi qua đời sẽ về đó.
Theo quan niệm của Phật giáo, cứ quay một vòng tháp Cửu phẩm Liên hoa thì lời trì tụng sẽ được nhân lên thành 3.542.400 lần, để người niệm mau đạt tới chính quả. Cửu phẩm Liên hoa không chỉ mang thông điệp từ bi, vị tha, bác ái của đạo Phật mà còn thể hiện sự phát triển của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử ở nước ta. Kiến trúc độc đáo tinh tế, là một bước phát triển trong nghệ thuật điều khắc gỗ thời kỳ đó. Chính vì vậy, năm 2015 niềm vinh dự đến với chùa Giám nói riêng và nhân dân Đinh Sơn nói chung, tòa Cửu Phẩm Liên Hoa được công nhận là Bảo Vật Quốc Gia. Và đặc biệt tháng 12 năm 2017, Thủ Tưởng Chính Phủ đã ra quyết định công nhận chùa Giám là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt.
Nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của nhân dân
Bên cạnh chùa là Nghề thờ Thành Hoàng làng kiến trúc hình chữ công đã tạo nên quần thể kiến trúc nghệ thuật, nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của nhân dân. Trong chùa và Nghề có nhiều pho tượng và có vật có giá trị đặc biệt trong đó có pho tượng Thiền Sư Tuệ Tĩnh đã được phiên bản thờ ở nhiều nơi trong cả nước. Hệ thống 16 bia đá có niên đại từ thế kỷ XVII, XVIII là những văn hóa để nghiên cứu lịch sử di tích. Không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo tâm linh, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa Giám còn là nơi trú ẩn của bộ đội địa phương “Đơn vị Quang Trung”, cũng là nơi cán bộ xã thường xuyên lui tới họp. Nhà sư lúc đó là cán bộ hoạt động cách mạng ở xã, đã hy sinh năm 1950 được công nhận là Liệt sỹ.
Ngoài những giá trị về kiến trúc, lịch sử, tôn giáo, Chùa Giám còn gắn liền với thân thế sự nghiệp của Đại Danh Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh. Ngài tên là Nguyễn Bá Tĩnh hiệu là Hồng Nghĩa quê ở làng Nghĩa Phú (trước đây gọi là Làng Xưa huyện Đa Lộc, Lộ Hồng) nay thuộc xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng. Theo các tài liệu lịch sử và tư liệu khai thác tại địa phương, Tuệ Tĩnh sinh khoảng năm 1330, mồ côi cha mẹ lúc 6 tuổi, được nhà sư chùa Hải Triều tức chùa Giám nuôi dạy và cho đi học. Ngài thông minh hiếu học nên đã thi đậu Hoàng Giáp năm 22 tuổi niên hiệu Thiệu Phong (1341-1375) nhưng không ra làm quan. Hơn 30 năm, Ngài ở chùa và dành thời gian nghiên cứu và chữa bệnh bằng thuốc Nam.
Ngài đã đứng ra hưng công 24 ngôi chùa và biến các chùa này thành nơi chữa bệnh cho nhân dân. Đỗ đầu Hoàng giáp, nêu gương sáng thời Trần, hoàn thành sứ mệnh, chữa bệnh lừng danh phương bắc, Tuệ Tĩnh mất tại Giang Nam - Trung Quốc. Cứ mỗi độ xuân về, xã Định Sơn tổ chức Lễ Hội Chùa Giám trong 3 ngày 14-16/2 Âm lịch để tưởng niệm. Đồng thời tổ cức các hoạt động văn hóa-thể thao vui chơi lành mạnh mang đậm đà bản sắc dân tộc. Dịp này chùa Giám đón hàng vạn lượt khách trong nước đến học tập, thăm quan và nghiên cứu.
Tuy nhiên, trải qua thời gian, nhiều công trình tại chùa Giám như 7 gian tiền đường, 2 dãy hành lang, nhà phẩm (đặt Cửu phẩm liên hoa), nhà Tổ hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, mái dột nhiều chỗ, nhiều cấu kiện bị mục cần thay thế. Các hạng mục của tòa tiền đường như hoành, xối góc, tầu đều đã mục. Mái ngói đã tụt, nhiều chỗ phải che chắn tạm bợ. Dãy hành lang chùa cũng trong tình trạng bị xô dột, mối mọt, các bức tượng La hán nứt, hỏng... Đáng chú ý, công trình nhà Cửu phẩm nơi lưu giữ bảo vật quốc gia tòa Cửu phẩm liên hoa đang phải chống đỡ bằng những cột sắt để chống sập. Người dân địa phương mong muốn, các cơ quan chức năng sớm tu bổ chùa Giám – một công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của tỉnh Hải Dương, đang lưu giữ được quy mô kiến trúc với nhiều mảng chạm khắc thời hậu Lê.
Nguồn: Báo Kinh tế Đô thị
Hôm nay: 4202
Tổng lượng truy cập: 22786722