Sáng 23/5, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 5 - phiên họp thứ 3 để nghe và cho ý kiến vào nội dung báo cáo, tờ trình của các sở, ngành. Đồng chí Lưu Văn Bản - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì phiên họp.
Đồng chí Lưu Văn Bản - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì phiên họp
Điều chỉnh một số quy định trong quản lý, bàn giao các dự án khu dân cư, khu đô thị
Cho ý kiến vào nội dung báo cáo công tác quản lý chất lượng và bàn giao hệ thống hạ tầng kỹ thuật các dự án khu dân cư, khu đô thị, UBND tỉnh cơ bản thống nhất với đề xuất, kiến nghị của Sở Xây dựng. Trong đó, đề xuất bãi bỏ hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh do các quyết định liên quan không còn phù hợp với quy định định hiện hành. Việc nghiệm thu và kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng (có các khu dân cư, khu đô thị mới) được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ.
Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Đoàn báo cáo tại phiên họp
Không kiểm tra công tác nghiệm thu hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, khu đô thị đã triển khai thi công hoàn thành, được chủ đầu tư và nhà thầu nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng trước ngày 15/4/2013. Đối với các công trình được nghiệm thu hoàn thành trong từ 15/4/2013 - 1/7/2015, các dự án khu dân cư, đô thị, các công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông chủ yếu là công trình cấp III, không thuộc đối tượng phải kiểm tra công tác nghiệm thu của các cơ quan chuyên môn về xây dựng.Công trình xây dựng khởi công trước ngày Nghị định 46/2015/NĐ-CP có hiệu lực thì việc kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng tiếp tục thực hiện theo quy định của Nghị định số 15/2013/NĐ-CP. Công trình xây dựng khởi công sau ngày Nghị định 46/2015/NĐ-CP có hiệu lực thì việc kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng công trình thực hiện theo quy định của Nghị định 46/2015/NĐ-CP. Công trình xây dựng khởi công sau ngày Nghị định 06/2021/NĐ-CP có hiệu lực thì việc kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng công trình thực hiện theo quy định của Nghị định 06/2021/NĐ-CP.
Chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm về chất lượng công trình và phải bảo hành đối với công trình chuyển giao theo quy định của pháp luật. Phân cấp, giao thẩm quyền cho UBND cấp huyện quản lý nhà nước về chất lượng công trình trên địa bàn, phối hợp cùng chủ đầu tư tổng hợp đánh giá chất lượng, giá trị công trình, tổ chức kiểm tra hiện trường, yêu cầu khắc phục những tồn tại, thiếu sót. Trên cơ sở kiểm định, đánh giá, tổ chức tiếp nhận, bàn giao công trình.
Đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh giao Sở Xây dựng phối hợp các sở, ngành liên quan hướng dẫn chủ đầu tư, UBND cấp huyện thực hiện các thủ tục liên quan đến quản lý, bàn giao các dự án khu dân cư, khu đô thị; đối với các dự án chuyển tiếp, tổng hợp những vấn đề vướng mắc để báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ. UBND cấp huyện bố trí tổ chức bộ máy đủ năng lực để thực hiện việc quản lý, bàn giao các dự án khu dân cư, khu đô thị, bám sát các dự án từ khi băt đầu triển khai.
Thảo luận phương án đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung của tỉnh
Tại phiên họp, các thành viên UBND tỉnh đã thảo luận về phương án triển khai đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính tập trung. Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xem xét. Đồng thời, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành cho ý kiến nội dung đề xuất triển khai đầu tư xây dựng của tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hải Châu báo cáo tại phiên họp
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung tỉnh Hải Dương rất cần thiết nhằm khắc phục tình trạng phân tán, manh mún hiện nay, tạo điều kiện thực hiện cải cách hành chính, môi trường làm việc hiện đại cho cán bộ công chức, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Khu hành chính tập trung được xây dựng là nơi tổ chức cách sự kiện, hội họp quy mô cấp tỉnh, cấp quốc gia, đáp ứng nhu cầu đón khách trong nước và quốc tế đến làm việc, đồng thời tạo điểm nhấn kiến trúc, góp phần tạo môi trường, cảnh quan đô thị. Hiện nay trụ sở của các cơ quan hành chính của tỉnh được xây dựng từ lâu, chất lượng bị xuống cấp, cơ sở vật chất lạc hậu. Hệ thống điện nước đã bị hư hỏng. Các trụ sở đều năm rải rác ở các phố cũ, đông dân, hạ tầng kỹ thuật kém, không đồng bộ.
Theo phương án đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức lập chủ trương đầu tư khu hành chính tập trung tỉnh Hải Dương thành 2 dự án độc lập, gồm: Dự án Trung tâm hành chính công tỉnh Hải Dương (gồm khối nhà làm việc của các sở, ban, ngành của tỉnh) và dự án xây dựng khối nhà làm việc của Thường trực Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, các Ban Đảng thuộc Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH và các công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà. Phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (2024-2028) sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở khối các sở, ban, ngành; giai đoạn 2 (sau khi di chuyển các sở, ban, ngành ra khu hành chính tập trung và tổ chức đấu giá trụ sở cũ) sẽ đầu tư các hạng mục, công trình còn lại.
Uỷ quyền tính giá đất cho UBND cấp huyện
Về việc ủy quyền của UBND tỉnh cho UBND cấp huyện về tính giá đất cụ thể theo Nghị quyết số 73/NQ-CP, ngày 06/5/2023 của Chính phủ, ngày 22/5/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 944/QĐ-UBND về việc ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư; tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá đất đối với diện tích vượt hạn mức khi nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Văn Thực, báo cáo tại phiên họp
UBND tỉnh uỷ quyền cho UBND cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất, thành viên Hội đồng thẩm định giá đất gồm: Chủ tịch UBND cấp huyện làm chủ tịch hội đồng và lãnh đạo cơ quan tài chính cấp huyện làm thường trực Hội đồng; lãnh đạo cơ quan tài nguyên và môi trường, các cơ quan chuyên môn cấp huyện có liên quan và lãnh đạo UBND cấp xã nơi có đất; tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất hoặc chuyên gia về giá đất và các thành viên khác do UBND cấp huyện quyết định. Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện giúp UBND cấp huyện trong việc tổ chức xác định giá đất.
Thời hạn ủy quyền kể từ ngày ký ban hành cho đến khi Luật Đất đai năm 2013 hết hiệu lực thi hành. UBND cấp huyện có trách nhiệm thực hiện đúng nội dung, phạm vi được ủy quyền; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ được ủy quyền. Định kỳ hằng quý, hằng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu nhiệm vụ tổng hợp, UBND cấp huyện báo cáo UBND tỉnh, đồng thời gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính về kết quả, tình hình thực hiện các nội dung được ủy quyền...
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan hướng dẫn bằng văn bản về các vấn đề liên quan về tính giá đất. Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng tài liệu hướng dẫn, mời chuyên gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương thực hiện. Các địa phương khẩn trương thành lập bộ máy, bám sát vào hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường để triển khai thực hiện việc tính giá đất. Trong quá trình thực hiện, các sở, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, giám sát quá trình thực hiện tại các địa phương. Việc tính giá đất của hội đồng cấp tỉnh và cấp huyện trên cùng địa bàn cần có sự phối hợp chặt chẽ để bảo đảm sự công bằng trên cùng địa bàn, tránh phát sinh khiếu kiện. Quá trình thực hiện tại các địa phương, nếu có khó khăn, vướng mắc cần tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo tháo gỡ.
Cũng tại phiên họp, các thành viên UBND tỉnh đã nghe và cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng khác, gồm, Sở Xây dựng báo cáo đề xuất vị trí xây dựng trường Chính trị tỉnh Hải Dương ra địa điểm mới; Sở Công Thương báo cáo về việc bổ sung Cụm công nghiệp phía Tây Việt Hòa, thành phố Hải Dương vào Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và giao chủ đầu tư và điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tại Quyết định số 804/QĐ-UBND ngày 30/3/2016 của UBND tỉnh về việc thành lập Cụm công nghiệp Cộng Hòa, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương; Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo về việc gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản sét trắng, sét chịu lửa tại mỏ Trúc Thôn, phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh của CTCP RedstarCera; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo tổng thể các chính sách về an sinh xã hội, tặng quà Tết... đang thực hiện trên địa bàn tỉnh và đề xuất điều chỉnh, bổ sung thực hiện trong năm 2023; Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về việc xây dựng chính sách khuyến khích, thu hút các dự án đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa - thể thao trên địa bàn tỉnh Hải Dương; Các sở, ngành Nội Giáo dục và Đào tạo, Tài chính và Đại học Hải Dương báo cáo về việc hoàn thành các công việc về thành lập trường Đại học Hải Dương theo Quyết định số 448/QĐ-TTg, ngày 27/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ
Nguồn: PV
Hôm nay: 8263
Tổng lượng truy cập: 20544340