1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và xã hội
Huyện Kim Thành nằm ở phía đông tỉnh Hải Dương, phia Bắc giáp huyện Kinh Môn, phía Tây giáp huyện Thanh Hà và thành phố Hải Dương, phía Đông nam giáp huyện An Dương – Hải Phòng. Kim Thành có vị trị địa lý tự nhiên thuận lợi, với diện tích tự nhiên 115,64 km2, trong đó diện tích canh tác là 14.552ha, còn lại là diện tích thổ cư, ao hồ và kênh rạch; Dân số tính đến 01/4/2013 là 127.690 người, mật độ dân số bình quân 1.104 người/ km2. Kim Thành được bao bọc bởi hệ thống sông Kinh Môn, sông Rạng, sông Lai Vu, sông Lạch Tray với chiều dài bao quanh 55km, rất thuận tiện cho việc tưới tiêu, phát triển kinh tế và giao thông đường thủy. Huyện có đường sắt và Quốc lộ 5 đi qua với chiều dài 18km nối 3 thành phố Hà Nội – Hải Dương – Hải Phòng, có Tỉnh lộ 388 dài 14,5km nối liền với An Dương – Hải Phòng, đường 389 dài 1,5km nối liền với Đông Triều – Quảng Ninh tạo điều kiện giao lưu, phát triển kinh tế với các tỉnh lân cận; Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình khoảng 23oC, lượng mưa trung bình khoảng 1.500 – 1600ml.
2. Thành tựu nổi bật và những định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2020.
2.1. Những thành tựu nổi bật:
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển toàn diện nông nghiệp, công nghiệp. Cùng với sự chỉ đạo tích cực của đảng bộ, chính quyền các cấp, trong những năm gần đây, kinh tế - xã hội của huyện Kim Thành đã đạt được những thành tựu khả quan. Nông nghiêp phát triển mạnh mẽ, đổi mới theo hướng sản xuất hàng hóa; đã hình thành vùng thâm canh rau màu, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; các vùng nuôi trồng thủy sản đã góp phần cải thiện thu nhập nâng cao đời sống cho nhân dân.
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành và nhân dân hưởng ứng tích cực. Đến nay các xã trong huyện đều đạt từ 7 tiêu chí trở lên, trong đó có 2 xã đạt 16/19 tiêu chí, 01 xã 15/19 tiêu chí đã từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn của huyện nhà.
Các ngành nghề thủ công truyền thống như làm mộc ở Cổ Dũng (hiện đã được phê duyệt quy hoạch Cụm tiểu thủ công nghiệp Làng nghề), nghề làm hương ở Phúc Thành,… tiếp tục được duy trì và phát triển. Công nghiệp phát triển mạnh mẽ, với 03 khu công nghiệp: Lai Vu, Phú Thái và Kim Thành; 3 Cụm công nghiệp: Kim Lương, Quỳnh Phúc, Cộng Hòa; 20 điểm công nghiệp, dịch vụ và làng nghề đã thu hút nhiều nhà đầu tư, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 13,32% năm, giá trị nông nghiệp - thuỷ sản tăng 3,60%, công nghiệp xây dựng tăng 16,50%, dịch vụ tăng 17,60%. năm 2013, thu nhập bình quân trên 1 đầu người 19,50 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có chuyển biến tích cực. Tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
2.2. Định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện tới năm 2020
So với lợi thế và tiềm năng, huyện Kim Thành còn chưa phát huy tương xứng. Trong những năm tới, Kim Thành tận dụng tốt thời cơ, thuận lợi, phát huy mọi nguồn lực, phấn đấu mục tiêu phát triển nhanh, vững chắc, toàn diện. Đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân chung của tỉnh Hải Dương. Công nghiệp giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế; dịch vụ chất lượng cao; nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ; đô thị, nông thôn phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Có nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ cấu lao động chuyển dịch nhanh từ lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Đời sống vật chất - tinh thần của nhân dân được nâng cao, đảm bảo an sinh xã hội. Môi trường bền vững, Quốc phòng-an ninh vững chắc. Về định hướng phát triển các ngành của huyện Kim Thành đến năm 2020, cụ thể như sau:
a. Lĩnh vực phát triển nông nghiệp
Chú trọng phát triển các cây có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định, hình thành các vùng rau chuyên canh hàng hóa đồng thời chú trọng đến sản xuất rau an toàn. Sản phẩm nông nghiệp hàng hóa phục vụ cho người dân địa phương; khu công nghiệp – đô thị, cung cấp cho thị trường thành phố Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội và xuất khẩu. Dự kiến đến năm 2015 diện tích rau ổn định 4.200 ha, đến năm 2020 là 4.300 ha. Năng suất đạt từ 262 – 266 tạ/ha. Hoàn thành lập quy hoạch và triển khai xây dựng vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung khu vực xã Đồng Gia (gồm các xã: Đồng Gia, Bình Dân, Liên Hòa, Cẩm La, Kim Tân, Đại Đức,Tam Kỳ) với diện tích 700-900ha. Quy hoạch vùng chuyên canh hành, tỏi với diện tích 130 ha (Cộng Hòa, Thượng Vũ, Tuấn Hưng, Việt Hưng).
Đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Hình thành được những khu chăn nuôi tập trung, hiện đại và gắn với vùng an toàn dịch bệnh.
Phát triển hình thức nuôi trồng thủy sản tập trung, khai thác có hiệu quả vùng nuôi trồng thủy sản tập trung Đầm Nái, Đầm Tôm (Tam Kỳ, Đại Đức). Phương thức nuôi trồng chủ yếu là thâm canh, bán thâm canh, đồng thời khuyến khích nuôi theo phương thức bán công nghiệp, công nghiệp.
b. Lĩnh vực phát triển công nghiệp - xây dựng
Công nghiệp - xây dựng vẫn giữ vai trò nòng cốt và chủ chốt, là nhân tố tạo đột phá quyết định đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; Nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư lấp đầy các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch, đặc biệt các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào sản xuất công nghiệp. Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư công nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, sản phẩm công nghệ cao, sản xuất thân thiện môi trường; khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng, giảm giá thành và xây dựng thương hiệu hàng hoá; gắn phát triển TTCN - ngành nghề nông thôn với phát triển cụm công nghiệp, điểm công nghiệp. Trong đó, phát huy vai trò doanh nghiệp như nòng cốt, hạt nhân lan tỏa, còn sản xuất quy mô hộ đóng vai trò như những vệ tinh kết nối. Đẩy mạnh phát triển ngành nghề, làng nghề sản xuất phù trợ cho ngành công nghiệp. Ưu tiên phát triển các ngành chủ lực như sau: Công nghiệp cơ khí (đóng tàu, cơ khí chế tạo, lắp ráp máy móc, cơ khí chính xác; Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, xuất khẩu dệt, may da dày; Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng hiện đại; Công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm.
c. Lĩnh vực phát triển Thương mại - dịch vụ
Phát triển, nâng cao chất lượng các dịch vụ thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xã hội và xuất khẩu, tạo sức cạnh tranh cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Khai thác có hiệu quả trung tâm thương mại, các khu thương mại – dịch vụ. Tạo mối liên kết chặt chẽ giữa phát triển thương mại với phát triển TTCN, và các Khu, cụm công nghiệp, trong đó tập trung phát triển:
- Xây dựng và phát huy tối đa vai trò các khu trung thương mại – dịch vụ, siêu thị, các chợ đầu mối.
- Phát triển mạnh hơn nữa dịch vụ vận tải bao gồm cả vận tải bộ và vận tải thủy (xây dựng cảng sông, xây dựng bến xe, trung tâm sát hạch lái xe).
- Chú trọng phát triển dịch vụ giáo dục - đào tạo, dịch vụ y-tế, bưu chính viến thông, ngân hàng phục vụ cho các khu đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp.
d. Phát triển kết cấu hạ tầng đến năm 2020
* Về phát triển mạng lưới giao thông
- Xây dựng mới và mở rộng đường gom phía Nam QL5 bê tông nhựa tuyến từ xã Kim Lương – thị trấn Phú Thái – xã Kim Xuyên.
- Mở rộng TL388 từ QL5 – Ngọ Dương (Hải Phòng) mặt đường rộng 11,0 m, nền đường rộng 13,0 m.
- Nâng cấp tuyến từ đò Giải – cầu Bồng xã Kim Tân chiều dài 6,8 km lên đường tỉnh lộ.
- Xây dựng đường tránh thị trấn Phú Thái (cầu An Thành).
- Xây dựng đường đi vào bệnh viện Đa khoa mới.
- Nâng cấp tuyến đường từ cầu Bất Nạo – cầu (Kim Lương – Kim Khê) chiều dài 3,0 km lên đường cấp huyện quản lý.
- Tập trung xây dựng và cải tạo các trục đường liên xã. Đẩy mạnh phong trào cứng hóa giao thông nông thôn. Phấn đấu đến năm 2020 có 100% đường liên thôn, xóm được nhựa hóa hoặc bê tông hóa.
- Từng bước nâng cấp mở rộng, cứng hóa các đường trục nội đồng, nhất là những vùng sản xuất nông sản hàng hóa (lúa, rau màu, chăn nuôi,...). Đảm bảo yêu cầu thuận tiện trong vận chuyển nông sản đi tiêu thụ. Đầu tư giao thông nội đồng gắn liền với quy hoạch lại đồng ruộng và thủy lợi nội đồng.
Hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi toàn huyện, đặc biệt những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung, khu sản xuất nông công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
e. Lĩnh vực phát triển văn hóa - xã hội
Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và ứng dụng khoa học công nghệ, quan tâm đào tạo nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu thị trường; tăng cường bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Thực hiện tốt chính sách dân số, gia đình và trẻ em, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc; đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", phòng trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", từng bước ngăn chăn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội; thực hiện tốt chính sách xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm; tăng cường, củng cố quốc phòng an ninh, thực hiện tốt công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, đảm bảo giữ vững trật tự kỷ cương, ổn định tình hình chính trị, xã hội. Đồng thời thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, bởi vì trong mọi giai đoạn lịch sử, Đảng luôn đóng vai trò hạt nhân, là nhân tố tiên quyết đối với sự thắng lợi.
Nguồn: Tài khoản Hệ thống
Hôm nay: 987
Tổng lượng truy cập: 22650831