Bình Giang là một trong 12 huyện thuộc tỉnh Hải Dương. Bình Giang có quốc lộ 5, quốc lộ 38 chạy qua, cách thành phố Hải Dương 20 km. Huyện có ranh giới giáp với tỉnh Hưng Yên, huyện Thanh Miện, huyện Cẩm Giàng và huyện Gia Lộc. Trước kia Bình Giang sáp nhập với huyện Cẩm Giàng thành huyện Cẩm Bình, sau đó lại tái lập năm 1997.
Trung tâm huyện lị đóng tại thị trấn Kẻ Sặt. Huyện Bình Giang
Diện tích: 10.478,72 ha
Dân số: 105.535 người (năm 2011)
Bình Giang nằm ở phía Tây Nam thành phố Hải Dương, diện tích tự nhiên là 10.478,72 ha. Phía Bắc giáp huyện Cẩm Giàng, phía Nam giáp huyện Thanh Miện, phía Đông giáp huyện Gia Lộc, phía Tây giáp huyện Ân Thi và Mỹ Hào của tỉnh Hưng Yên
Bốn mặt huyện Bình Giang đều có sông: sông Kẻ Sặt ở phía Bắc, sông Đình Hào ở phía Đông, sông Cửu An ở phía Tây, sông Cầu Lâm, Cầu Cốc ở phía Nam. Trong đó sông Sặt bắt nguồn từ sông Hồng, qua cống Xuân Quan, qua cầu Lực Điền, cầu của đường 38, nối quốc lộ 5A với thành phố Hưng Yên, tiếp cận với huyện Bình Giang tại vị trí sát làng Tranh Ngoài, xã Thúc Kháng. Đến đây sông có nhánh chạy dọc theo phía Tây huyện, gọi là sông Cửu An; một nhánh chạy dọc phía Bắc huyện gọi là sông Kẻ Sặt, thông với sông Thái Bình, qua Âu Thuyền, thành phố Hải Dương.
Kinh tế
Bình Giang là một huyện chủ yếu là nông nghiệp, đang đẩy nhanh phát triển mạnh dịch vụ, thương mại và công nghiệp.
Năm 2015 thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt 140 tỷ 391 triệu đồng (đạt 158,1% so với KH tỉnh giao), bằng 150,6% kế hoạch huyện phấn đấu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 9,7% so với năm 2014. Trong đó sản xuất nông nghiệp tăng 0,2%. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng 13,5%. Giá trị thương mại dịch vụ tăng 11,3%. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực (Nông nghiệp- Công nghiệp, xây dựng- Thương mại, dịch vụ đạt: 20,9%-43,7%-35,4%). Thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 giảm 1,4% so với năm 2014 (từ 4,6% xuống 3,2%).
Về Xây dựng Nông thôn mới: Tính đến hết năm 2015, toàn huyện bình quân mỗi xã đạt 14,5 tiêu chí; đã có 04 xã: Nhân Quyền, Bình Xuyên, Long Xuyên, Tân Hồng đạt 19/19 tiêu chí, được tỉnh công nhận xã NTM (xã Bình Xuyên được công nhận đầu năm 2015, xã Long Xuyên, xã Tân Hồng được công nhận cuối năm 2015); Xã Thái Học qua tự đánh giá cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, chờ kết quả thẩm định của đoàn liên ngành tỉnh; các xã còn lại đang phấn đấu hoàn thành các tiêu chí, trong đó 02 xã đạt 15/19 tiêu chí (Hùng Thắng, Thúc Kháng); 02 xã đạt 14/19 tiêu chí (Vĩnh Tuy, Vĩnh Hồng); 01 xã đạt 13/19 tiêu chí (xã Tân Việt); 02 xã đạt 12/19 tiêu chí (Thái Dương, Bình Minh); 02 xã đạt 11/19 tiêu chí (Hưng Thịnh, Hồng Khê); 02 xã đạt 10/19 tiêu chí (Cổ Bì, Thái Hòa).
* Về thực hiện kế hoạch dồn điền đổi thửa: Đến nay, toàn huyện cơ bản đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa; Kết quả trước khi dồn điền đổi thửa toàn huyện có 211.546 thửa, bình quân 4,6 thửa/1 hộ, sau dồn điền đổi thửa giảm xuống còn 48.403 thửa, bình quân còn 02 thửa/1 hộ. Các xã đã vận động nhân dân góp đất, hiến đất, gần 385 ha để làm đường giao thông thủy lợi nội đồng, đào đắp mở rộng 880 km đường giao thông nội đồng, 651 km kênh mương với khối lượng đất đào đắp gần 2 triệu m3.
Về Văn hóa – xã hội
* Giáo dục – Đào tạo :Phát huy truyền thống hiếu học của huyện có ‘‘Làng Tiến sỹ xứ Đông’’ - Chất lượng giáo dục - đào tạo không ngừng được nâng cao, trong đó: Chất lượng giáo dục mũi nhọn được duy trì, năm học 2014-2015, chất lượng giáo dục mũi nhọn cấp THCS được Sở Giáo dục & Đào tạo xếp thứ nhất toàn tỉnh. Kết quả thi học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh đạt nhiều thành tích cao. Trong năm 2015 huyện có thêm 5 trường đạt chuẩn Quốc gia (tăng 2 trường so với 2014), gồm các trường: THPT Kẻ Sặt, THCS Thái Dương, THCS Vĩnh Hồng, Tiểu học Thái Hoà, Tiểu học Thúc Kháng; nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia toàn huyện lên 33 trường; có thêm 02 trường được công nhận lại: THCS Nhân Quyền, THCS Thái Học; năm 2015, huyện Bình Giang tiếp tục được tỉnh công nhận đơn vị huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 và Phổ cập giáo dục THCS.;
Trên địa bàn toàn huyện hiện có: 62 trường.
+ Bậc THPT: 05 trường, trong đó có 03 trường công lập là : THPT Bình Giang, Kẻ Sặt, Đường An; có 01 trường THPT Dân lập Vũ Ngọc Phan; 01 Trung tâm GDTX - Hướng nghiệp dạy nghề;
+ Bậc THCS: có 19 trường, (trường THCS Vũ Hữu – là trường trọng điểm – chất lượng cao)
+ Bậc Tiểu học: có 18 trường ở 18 xã, thị trấn ;
+ Bậc Mầm non: có 20 trường (02 trường tư thục) ;
* Về Y tế: Toàn huyện có 18 trạm y tế; 01 bệnh viện; 01 phòng khám đa khoa và 53 cơ sở hành nghề y dược tư nhân; số lượng bác sỹ/vạn dân mới đạt 3,6/10000 (kế hoạch 7,5/10.000); Có 15/18 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, đạt 83,3%, có 46 làng đạt danh hiệu làng sức khỏe, đạt 44,6%;
* Văn hóa: năm 2015 có 84,3% số gia đình được công nhận là gia đình văn hóa; có thêm 4 làng đạt danh hiệu làng văn hóa, nâng tổng số làng, KDC văn hóa lên 84 làng; có 68 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu cơ quan, đơn vị văn hóa;
Toàn huyện có 87 lễ hội dân gian; trong đó 03 lễ hội điểm thuộc 03 di tích: lễ hội làng nghề Châu Khê; lễ hội làng nghề Cậy và lễ hội làng Tiến sỹ Mộ Trạch. Công tác quản lý, tổ chức lễ hội của huyện luôn được tăng cường, thực hiện đúng quy chế, trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm, an toàn.
- Có Nghệ thuật hát Chèo; hát trống quân (đang đề nghị Bộ Văn hóa đưa vào danh sách Văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn);
- Năm 2015, Bánh chưng - Bánh Giầy đạt giải nhất tại Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc; giải nhì toàn quốc.
- Toàn huyện có 139 di tích, gồm: đình, đền, chùa, miếu, văn chỉ,... trong đó có 13 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 13 di tích xếp hạng cấp tỉnh.
* Về thể dục thể thao:
Thể thao thành tích cao: Bơi thuyền chải (Cậy – Long Xuyên) đạt giải nhì các CLB toàn quốc năm 2013; Bóng chuyền Hội Nông dân (Huy chương vàng cấp tỉnh năm 2013); Các môn võ thuật; Bóng bàn lãnh đạo; Cờ tướng; Vật...
* Về Tôn giáo:
- Trên địa bàn huyện có 02 Tôn giáo (Phật giáo và Công giáo) cùng phát triển ổn định, không có sự phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo; các tín đồ theo tôn giáo khác nhau cùng chung sống hài hòa trong cộng đồng xã hội.
+ Phật Giáo (có 92 chùa);
+ Công giáo – có 7.754 tín đồ, tập trung chủ yếu ở thị trấn Kẻ Sặt và xã Tráng Liệt; trong 2 Giáo xứ lớn là: Kẻ Sặt, An Tôn và 5 họ đạo); có Nhà thờ lớn Kẻ Sặt, nhà thờ Giáo xứ An Tôn được xây dựng từ thế kỉ XIX.
Ngoài ra trên địa bàn huyện còn có 115 cơ sở tín ngưỡng như: Đình, đền, miếu, phủ.v.v.
* Đặc sản nổi tiếng: Bánh chả và bánh đa gấc Kẻ Sặt;
* Mặt hàng truyền thống: Lược làng Vạc- Thái Học, Gốm sứ Cậy - Long Xuyên; đồ mộc kỹ nghệ xã Bình Xuyên và Hưng Thịnh, Kim hoàn Châu Khê, Lương Ngọc - xã Thúc Kháng; Cơ khí Tráng Liệt- Kẻ Sặt.v.v.
Nguồn: Tài khoản Hệ thống
Hôm nay: 910
Tổng lượng truy cập: 22650754